Nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang hấp dẫn và lôi cuốn du khách không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mà còn vì những nét độc đáo trong bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số nơi đây.
Được biết, ở Hà Giang dân tộc Mông chiếm đa số với hai nhóm chính là: Mông trắng và Mông hoa. Đây cũng là một trong những dân tộc ít bị mai một về văn hóa. Người Mông ở đây thích nghi với đời sống trên các dãy núi cao từ 800m đến 1.700m so với mặt nước biển, thế nên rất nổi tiếng với truyền thống canh tác nương đá, trồng lúa, ngô. Họ còn rất giỏi trong việc đan lát, làm gỗ, dệt vải lanh cho ra đời những trang phục truyền thống rất đẹp và độc đáo.
Gắn liền với đời sống của họ là nghệ thuật múa khèn. Người Mông thường múa khèn vào những dịp sinh hoạt văn hóa, đám tang, đám giỗ hoặc khi có lễ hội. Một trong những lễ hội quan trọng nhất của họ là Lễ hội Gầu Tào – cầu phúc. Du lịch Hà Giang đến Mèo Vạc, du khách có thể thưởng thức điệu múa khèn độc đáo này tại các phiên chợ, đặc biệt là ở phiên chợ tình Khâu Vai.
Khác với Mông, người Dao có tập tính sống gần nguồn nước. Vì thế họ sinh sống nhiều ở lưng núi, chủ yếu bằng nghề nông nghiệp trên các ruộng bậc thang với các loại lương thực như lúa, ngô, khoai, sắn, tam giác mạch,… Bên cạnh đó, nghề thêu in hoa trên vải bằng sáp ong của người Dao cũng vô cùng nổi tiếng.
Văn hóa của người Dao cũng khá phức tạp bởi gồm nhiều nhóm khác nhau thể hiện rõ nét qua ý thức tâm linh cộng đồng, mê tín dị đoan, quan niệm sinh sống và các hình thức nghi lễ cũng như trong văn hóa dân gian. Lễ hội được đánh giá là đặc sắc nhất của người Dao chính là Lễ cấp Sắc dành cho nam giới. Du lịch Hà Giang vào những tháng cuối năm (tháng 11, 12 hoặc tháng Giêng), du khách sẽ có dịp được tham gia vào lễ hội này và chứng kiến rất nhiều nét đặc sắc và độc đáo của văn hóa của người Dao.
Một trong những đặc điểm tạo nên sắc thái riêng khá đậm trong văn hoá tộc của người Tày là nghệ thuật hát then, đàn tính thường được sử dụng trong các nghi lễ cầu mùa, cầu yên, cấp sắc… Người Tày hiện vẫn còn lưu giữa được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc thể hiện qua các lễ hội truyền thống và cả một kho tàng văn học về các loại truyện thần thoại, truyện cổ, truyện thơ, dân ca… hay trong những phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt hằng ngày. Ngoài trồng nương rẫy, nghề dệt vải của người Tày cũng khá phát triển, đặc biệt là các loại khăn thổ cẩm với hoa văn phong phú được nhiều người yêu thích.
Nhiều du khách trải nghiệm khám phá bản sắc văn hóa các dân tộc ở Hà Giang rất thích Lễ hội cầu Trăng của dân tộc Tày được diễn ra vào Tết Trung thu hằng năm. Bởi tại đây họ không chỉ được hòa mình vào không khí lễ hội náo nhiệt, mà còn được thưởng thức những món đặc sản của bà con dân bản. Sẽ thật ý nghĩa nếu du lịch Hà Giang được một lần nhấm nháp chén rượu ngô ấm nồng, say trong điệu nhạc và ngắm những cô gái Tày xinh đẹp với đôi má hồng hây hây đang nhảy múa. Chắc chắn du khách sẽ không bao giờ quên được trải nghiệm thú vị này.